Vụ lừa đảo bằng tiền ảo iFan của Công ty Cổ phần Modern Tech tại TP. HCM khiến 32.000 người bị thiệt hại 15.000 tỷ đồng đang thu hút sự chú ý lớn của dư luận xã hội. Xung quanh vụ lừa đảo này là các câu hỏi về quyền lợi của người tham gia, trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước, xu hướng đầu tư tiền ảo tại Việt Nam…
Để soi chiếu vụ lừa đảo bằng tiền ảo nêu trên dưới góc độ luật pháp, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO).
- Ông đánh giá như thế nào về việc huy động vốn bằng tiền ảo? Và trong sự vụ lừa đảo bằng tiền ảo xảy ra tại TP. HCM, những người tham gia góp vốn có được đảm bảo quyền lợi nào không?
Luật sư Trương Thanh Đức: Việc việc mua bán tiền ảo không bị cấm, nhưng lợi dụng tiền ảo để huy động vốn hay góp vốn trả lãi siêu lợi nhuận như vụ việc vừa xảy ra tại TP. HCM là bất hợp pháp và người tham gia không có hy vọng đòi được tiền.
Bây giờ chỉ còn trông chờ việc bắt được tội phạm, thu hồi tài sản, được bao nhiêu thì đem chia cho những người bị hại theo tỷ lệ đã góp. Ví dụ mất 15.000 tỷ đồng, giờ thu được 100 tỷ đồng hay 10 tỷ đồng thì đem chia ra cho 32.000 người thôi.
- Vụ huy động vốn bằng tiền ảo này được thực hiện theo mô hình đa cấp, việc xử lý những người cầm đầu là tất nhiên, nhưng còn những người ở cấp trung gian đã dụ dỗ, lôi kéo người khác góp vốn thì sao?
Cho đến giờ phút này gần như không xử lý được bởi pháp luật hiện nay chưa giải thích rõ, chưa quan tâm đến các đối tượng này, thậm chí còn coi họ là nạn nhân trong sự việc.
Có thể nói, chính cấp trung gian này mới tạo ra thiệt hại lớn. Bọn chủ trò chỉ dăm ba người chứ tầng lớp trung gian ở dưới thì rất đông. Chính họ mới là người trực tiếp xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào đường dây.
Tôi cho rằng phải xử lý tất cả những người có vai trò chính, nhất là đã thu được nhiều lợi nhuận từ việc tham gia bán hàng đa cấp trái pháp luật. Làm như vậy may ra mới ngăn chặn được các vụ lừa đảo tương tự.
- Theo quy định của pháp luật thì các đối tượng huy động vốn trái phép trong vụ lừa đảo bằng tiền ảo trên sẽ bị xử lý về tội gì và khung xử phạt bao nhiêu?
Nếu có thủ đoạn gian dối thì xử tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nếu không thì có thể xử tội kinh doanh đa cấp trái pháp luật. Mức hình phạt cao nhất của tội trước là tù chung thân, tội sau là 5 năm tù.
- Vụ việc này vừa là đa cấp lừa đảo, vừa là lừa đảo bằng tiền tệ (tiền ảo), nếu xét trách nhiệm cơ quan quản lý thì thuộc về Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Công Thương?
Rất khó nói trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Công Thương bởi trên thực tế hai cơ quan này có thể lý giải rằng họ đã làm hết trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình. Còn trách nhiệm trong việc mua bán, huy động vốn tiền ảo là của cơ quan khác và của chính người tham gia. Cái chính ở đây là các cơ quan nhà nước đã không phối hợp được với nhau và các đối tượng đã lợi dụng đúng chỗ “tranh tối tranh sáng” đó để lừa đảo.
Do đó, rất khó để có thể quy lỗi thiếu trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Công Thương. Đây coi như là cái giá phải trả cho sự yếu kém trong trình độ nhận thức và cho cơ chế quản lý không rõ ràng của nhà nước.
Nói ngay như các cơ quan bảo vệ pháp luật đã chẳng tích cực trong việc phòng ngừa, ngăn chặn. Lúc nó đã có hiện tượng rõ ràng về gian lận, lừa đảo thì chẳng ai nói gì, mãi đến lúc nó sập, ầm ĩ lên, tổn thất lớn thì mới đứng ra xử lý.
- Đúng như ông nói thì có một nghịch lý là Công ty lừa đảo bằng tiền ảo đã từng tổ chức khá nhiều sự kiện huy động vốn công khai nhưng chẳng ai nhìn ngó gì?
Cái này cũng không loại trừ khả năng như vụ đánh bạc vừa rồi, tức là có làm ngơ, thậm chí bao che, bảo kê chẳng hạn.
- Một điều khá ngạc nhiên là vụ lừa đảo bằng tiền ảo vừa rồi không phải là vụ đầu tiên nhưng vì sao người dân vẫn mắc lừa?
Một trò lừa đảo với hình thức rất xưa cũ, rất “kinh điển” bằng lãi suất cao bất hợp lý mà dân vẫn cứ lao đầu vào thì quả thật cũng không biết phải nói gì.
Tuy nhiên, tôi cho rằng bên cạnh một số người không biết thì có thể nhiều người biết rất rõ nhưng vẫn cứ tranh thủ, hi vọng, cứ nghĩ rằng mình sẽ rút ra sớm, ở tốp trên thì được ăn, còn sau này nó sập, nó chết thì người khác lãnh hậu quả.
- Vậy ông có cho rằng sau vụ này, làn sóng đầu tư tiền ảo sẽ giảm tại Việt Nam?
Tôi cho là vụ này cũng như vụ cháy chung cư vậy, có thể khiến thị trường chững lai một thời gian nhưng rồi sau đó, người ta lại thấy hấp dẫn, thấy có lợi, có cơ hội thì lại tham gia thôi.
- Chính phủ vẫn đang trong quá trình xây dựng khung pháp lý về tiền ảo, với tư cách một luật sư, ông có góp ý gì?
Cái khung pháp lý là để quản lý bài bản sau này, còn bây giờ tôi nghĩ phải có ngay động thái chấn chỉnh. Ít nhất các cơ quan nhà nước phải ra cảnh báo rất rõ ràng và kiên quyết để người dân biết về mức độ rủi ro rất cao. Nếu chỉ vài chuyên gia hay chuyên viên lên tiếng thì không ăn thua. Điều ấy chỉ khiến dân nửa tin nửa ngờ, chẳng biết thế nào, càng dễ bị lừa đảo.
- Ông có khuyến cáo gì với các nhà đầu tư (và cả nhà đầu tư tiềm năng)?
Cuộc chơi nào cũng phải trả giả, có thế mới khôn ra.
Về nguyên lý đầu tư thì chúng ta đều biết: “Rủi ro càng lớn thì lợi nhuận càng cao”. Có tiền thì cứ đầu tư, không đầu tư cái này thì đầu tư cái khác. Đầu tư mạo hiểm cũng là một thứ rất tuyệt vời, nhưng phải luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Xét về tinh thần thì phải nói thẳng rằng, người dân có mê mạo hiểm thì mới dám kinh doanh, dám khởi nghiệp và như thế thì mới có quốc gia khởi nghiệp. Còn khuyến cáo thì chỉ có thể nói rằng tiền ảo là một thứ vô cùng rủi ro mà thôi, được mất trong nháy mắt. Và như chúng ta thấy, bên cạnh một người được vinh danh vì huy động vốn thành công cho các startup bằng tiền ảo, thì có nhiều người vướng vào lao lý vì tội lừa đảo. Thật ra thì ranh giới giữa chuyện lừa đảo và chuyện huy động vốn thành công của các startup là cực kỳ mong manh. Hôm nay là “người hùng”, ngày mai có thể thành tội phạm lừa đảo ngay.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!